Website Trường Tiểu học Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh

http://thduclam.pgdductho.edu.vn


HS lớp 5 không viết được tên mình: Thầy cô đừng dừng lại ở “chịu đựng”

HS lớp 5 không viết được tên mình: Thầy cô đừng dừng lại ở “chịu đựng”

Dân trí Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phụ huynh và thầy cô “hy sinh, chịu đựng” là điều rất quý nhưng chưa đủ, chưa đạt đối với việc dạy dỗ học sinh chậm nhận thức hoặc tự kỷ, cần tìm tòi và nhờ các chuyên gia để có phương pháp đúng đắn.

Liên quan đến câu chuyện em L.Đ.T (11 tuổi, ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa viết được tên mình, rất nhiều ý kiến độc giả cho rằng cần có một giải pháp giáo dục cho em L.Đ.T để em có thể học tập và hòa nhập với cộng đồng.

Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề trên, PV báo điện tử Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội.

 

Bố mẹ phải hy sinh để dạy con

Mở đầu buổi trò chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ về những trường hợp học sinh chậm nhận thức mà ông đã từng gặp trong sự nghiệp giáo dục của mình. Theo ông Lâm, chuyện học trò chậm nhận thức hay tự kỷ không phải câu chuyện hiếm.

Cách đây khoảng 7 năm, ông Lâm từng gặp trường hợp học sinh khó khăn trong nhận thức, gia đình học sinh này cũng hoàn cảnh, bố mẹ ly dị, chỉ còn mẹ chăm sóc. “Em học sinh này mắc bệnh không thể tập trung nhưng khi tập trung thì học rất nhanh”, ông Lâm nói.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
 

Sau đó, ông Lâm đã phải mời chuyên gia về tâm lý của Pháp tới xem xét, giúp đỡ cho học sinh của mình. Ông Lâm cũng trực tiếp đưa học sinh đến bệnh viện để thăm khám và trực tiếp tham gia hội chẩn cùng.
 
Câu chuyện kể của tiến sĩ Lâm để nhắn nhủ rằng, ngay khi phát hiện học sinh có biểu hiện chậm nhận thức, đặc biệt là ở “lứa tuổi vàng” khi bắt đầu bước vào cấp tiểu học, nhà trường và phụ huynh cần có những biện pháp kịp thời để giúp con trẻ.

Tiến sĩ Lâm phân tích, đối với trẻ chậm phát triển, chậm nhận thức hoặc trường hợp trẻ tự kỷ, về mặt tâm lý học, mỗi đứa trẻ sẽ có một xu hướng biểu hiện khác nhau, có thể tăng động, không chú ý, trầm cảm, lỳ lợm…Nhưng điều quan trọng chúng ta cần phải tìm ra thế mạnh và điểm yếu của chúng.

“Việc tìm ra được mặt mạnh, mặt yếu của trẻ chinh là chìa khóa để giúp trẻ có thể học tập kiến thức, từ đó sẽ có cơ hội hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Ví dụ điển hình như một cặp vợ chồng ở Canada mà tôi biết, họ có cô con gái bị tự kỷ nhưng bố cô bé đã khám phá ra khả năng hội họa và dạy cô trở thành một họa sĩ nổi tiếng”, Tiến sĩ Lâm cho hay.

Đối với trường hợp của em học sinh lớp 5 không viết được tên mình, Tiến sĩ Lâm cho rằng, hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, trách nhiệm của gia đình đối với em T. là rất lớn và không ai có thể gánh vác thay được. Bố mẹ em T. sẽ phải đóng vai trò chính, phải tìm tòi ra cách để dạy con, phải hy sinh cả thời gian, của cải để điều trị cho con.
 
“Bố mẹ em T. không thể chờ đợi mà phải chủ động hiểu thật sâu con mình và cùng phối hợp với nhà trường, với các chuyên gia để giúp con”, Tiến sĩ Lâm nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội, bố mẹ chính là người ở gần con nhất nên sẽ nắm được những biểu hiện tâm lý, không ai khác, chính bố mẹ là người phải học các phương pháp để áp dụng dạy con khi trẻ chậm nhận thức hoặc tự kỷ. Nếu phương pháp không phù hợp phải thay đổi.

Thầy cô đừng dừng lại ở “chịu đựng”

Bàn về vai trò của nhà trường khi dạy những học sinh chậm nhận thức, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo dục không nên chạy theo phổ cập, thấy trẻ chậm nhận thức xếp vào trẻ khuyết tật rồi yên tâm là không được.

Nhà trường phải là người đồng hành, các thầy cô trực tiếp dạy các em cũng phải tìm tòi và được huấn luyện về phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, thầy Lâm cũng chỉ ra một điểm yếu ở giáo dục đối với trẻ chậm nhận thức đó là các thầy cô mới dừng lại ở mức “chịu đựng”.

Em L.Đ.T học lên lớp 5 vẫn không viết được tên mình
Em L.Đ.T học lên lớp 5 vẫn không viết được tên mình
 

“Thực tế việc chịu đựng của thầy cô là rất đáng quý nhưng chưa đủ, chưa đạt, thầy cô và nhà trường cần chủ động tìm hiểu và áp dụng những phương pháp riêng cho những em học sinh có vấn đề về nhận thức.
 
Ở nước ngoài luôn có các chuyên gia huấn luyện, hỗ trợ cho thầy cô và gia đình nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được điều này, đây cũng là một thiệt thòi lớn cho các em học sinh”, Tiến sỹ Lâm phân tích.

Việc dạy học trẻ chậm nhận thức, trẻ tự kỷ cũng không thể để cho cô giáo chủ nhiệm phải gánh vác một mình, ban giám hiệu nhà trường cũng phải thường xuyên quan tâm, hàng năm phải có các hội đồng để đánh giá sự tiến bộ của em đó. Đặc biệt, phải để các bạn học trong lớp dùng tình yêu thương, quan tâm, giúp đỡ cho em học sinh chậm nhận thức hoặc tự kỷ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần xem xét mức độ của học sinh chậm nhận thức hoặc tự kỷ để có thời gian cho các em hòa nhập chứ không phải cứ xếp em vào học sinh khuyết tật và cho ngồi lớp cùng học cùng chơi. Có những em phải dạy học riêng và chỉ cho vui chơi cùng bạn bè.

Như trường hợp của em T., tiến sĩ Lâm cho rằng, việc để em lên lớp tuần tự như vậy là không nên mà nhà trường cần nhờ đến các chuyên gia hoặc các trung tâm để hỗ trợ cho gia đình. Đặc biệt, lứa tuổi khi mới vào lớp 1 là lứa tuổi vàng, nhà trường cần đặc biệt chú ý để điều trị sớm vì nếu để quá muộn sẽ hỏng cả tương lai của con trẻ.

Lê Tú


Tác giả bài viết: Sưu Tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây