Một số mẩu chuyện về Bác Hồ

Thứ bảy - 07/05/2016 21:34
41. NHỮNG KỶ NIỆM SÂU ĐẬM NHẤT
Năm 1965, bắt đầu thời kỳ chiến tranh phá hoại của Giônxơn, tôi (Hoàng Thị Mễ) về công tác ở Vĩnh Linh, làm Trưởng ban kiểm tra của Đảng trong khu vực và được cử đi dự hội nghị tổng kết công tác kiểm tra toàn quốc.
Lần này, đến thăm hội nghị, Bác mặc một bộ ka ki giản dị. Trông người vẫn khoẻ khoắn, nhanh nhẹn. Tôi rất mừng. Bác huấn thị cho chúng tôi nhiều điều hết sức quý báu về công tác kiểm tra, về đạo đức, phẩm chất của người cộng sản. Bác dặn đi dặn lại, đại ý: Công tác kiểm tra có quan hệ đến sinh mệnh của từng người đảng viên. Làm công tác kiểm tra tốt thì có lợi cho Đảng, có lợi cho mỗi đồng chí của ta. Bác nhắc nhở các đại biểu nữ càng phải đi sâu kiểm tra, bảo đảm quyền lợi cho đảng viên phụ nữ. Chúng tôi ghi tạc những lời Bác dạy. Làm công tác kiểm tra không được thành kiến, phải có lượng khoan hồng, đồng thời cần cứng rắn về nguyên tắc. Những lời dạy của Bác thật là quý báu cho chúng tôi và cho đất Vĩnh Linh nóng bỏng lửa đạn quân thù. Ngay từ đầu Bác đã hết sức quan tâm đến mảnh đất này, Bác rất chú ý đến các cháu thiếu nhi và chị em phụ nữ Vĩnh Linh, Bác dặn: Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, các cháu Vĩnh Linh là những hạt giống quý, những mầm non xanh tươi, phải được giữ gìn sao cho mầm non đó cứ tươi tốt lên, dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Bác chỉ thị: Phải sơ tán hết các cháu, không được để cháu nào bị địch giết hại ở Vĩnh Linh. Ngày tết sắp đến, Bác nhắc các tỉnh phải gói bánh chưng gửi cho các cháu. Riêng Bác, Bác hay gửi bánh kẹo cho các cháu Vĩnh Linh. Cho đến giờ các cháu vẫn nhớ và nhắc đến “Quà Bác Hồ”. Thỉnh thoảng Bác lại hỏi thăm đồng bào và phụ nữ Vĩnh Linh có khoẻ mạnh không, sản xuất chiến đấu và học tập ra sao?
Năm 1968, địch buộc phải ngừng bắn, Bác chỉ thị ngay phải tiếp tế khẩn trương cho Vĩnh Linh, chủ yếu là đường, vải, thuốc. Các xe tải phải chuyên chở cho Vĩnh Linh, Cồn Cỏ và phải coi đây là một công tác rất quan trọng. Hồi đó tôi là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Vĩnh Linh, được phụ trách phân phối hàng về các xã. Tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh lời Bác dạy. Việc phân phối được bảo đảm công bằng, hợp lý, chú ý các cháu mồ côi, các cụ già, bà mẹ các thương binh, bệnh binh…
Nhận được quà Bác cho, đồng bào Vĩnh Linh vô cùng hồ hởi bảo nhau: chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Bác.
Riêng tôi, lời dạy của Bác luôn là nguồn khuyến khích, động viên lớn nhất. Nhớ lại những lời dạy bảo của Bác về phẩm chất của người đảng viên, người cán bộ phải hết lòng vì nhân dân phục vụ, lại nghĩ tới tình thương yêu của Bác đối với nhân dân Vĩnh Linh như biển cả, tôi thấy mình có thêm sức mạnh, cùng với anh chị em dân quân, du kích làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
 
42. ĐI THĂM MIẾU KHỔNG TỬ
Ngày 19-5-1965, nhân lúc đang thăm Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quê hương Khổng Tử. Hai giờ chiều, trong bộ quần áo lụa Hà Đông, Bác Hồ thong thả bước vào Khổng phủ trang nghiêm, cổ kính. Bác kể cho các cán bộ cùng đi: “Cho đến năm 1937, Khổng Đức Thanh là lớp con cháu đời thứ 77. Bố Khổng Tử có ba vợ. Khổng Tử là con vợ thứ ba. Khổng Tử lấy vợ sinh con là Khổng Lý... Đời Tống, Nguyên, Thanh đều góp của, góp công sửa sang Khổng phủ, Khổng miếu... Điều đó chứng tỏ học thuyết Khổng Tử từ lâu thành hệ tư tưởng chính thống, có sức sống qua nhiều thời đại. Chúng ta không gạt bỏ tất cả mà phải chọn lọc, tiếp thu những cái tốt đẹp nhất để làm giàu cho mình, cho con cháu mình....”. Đứng dưới gốc cổ thụ ở Khổng miếu mà nghe nói chính tay Khổng Tử trồng, cách đây 2.400 năm, Bác nói, giọng trầm lắng: “Khổng Tử là người chủ trương quyền bình đẳng về của cải và sự công bằng trong đời sống. Câu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” mà Bác trích là từ câu của Khổng Tử: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hoà mục thì không thiếu, lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”. Rời Khổng miếu, sang Khổng Lâm, dạo bước dưới bóng cây cổ thụ, Bác Hồ lại tiếp tục nói chuyện. Bác nhắc đến chữ “nghĩa chiến” của Mạnh Tử trong sách “Khổng học đăng” chính là chiến tranh nhằm mục đích nhân nghĩa, Bác nói: “Khổng Tử thường nêu “dân vi bang bản” (dân là gốc của nước) hoặc “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc)...”. Gần ba giờ vừa đi xem cảnh, vừa nói chuyện, đến năm giờ chiều, Bác cùng đoàn cán bộ lên xe lửa về Tế Nam. Ngồi trên tàu, nhìn nắng chiều nhạt dần trên triền núi mờ xa, Bác đọc bài thơ chữ Hán vừa làm: Thăm Khúc Phụ :
“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa, chút ánh tà”.
 
43. CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC TÀU PHÁ THỦY LÔI MANG BIỆT HIỆU T5 VÀ TẤM LÒNG CỦA BÁC
Năm 1965, tôi (Phan Trọng Tuệ) làm Chính ủy kiêm Tư lệnh đường mòn Hồ Chí Minh. Một hôm anh Vũ Kỳ gặp tôi và nói:
- Anh có phim tư liệu gì mới đem vào chiếu cho Bác xem.
Tôi đưa cuộn phim về giao thông vận tải, quay từ Hà Nội vào đến Vinh cho Bác xem. Bác xem phim rất chăm chú và hỏi thăm tình hình nhân dân trong đó.
Tôi báo cáo với Bác:
- Chúng cháu muốn đảm bảo giao thông phải dựa vào dân. Nhân dân nhiều khi phá cả nhà để lát đường cho xe qua.
Bác nói:
- Nhân dân không nhà không cửa thì ở vào đâu? Các cháu học hành thế nào?
Tôi thưa với Bác:
- Các cháu vẫn được học. Học dưới hầm. Giao thông vẫn có những chuyến xe đặc biệt chở dụng cụ học tập và sách vở cho học sinh.
Nghe tôi nói thế, Bác mới yên tâm và khen:
- Thế là tốt. Nếu chú có gặp các đồng chí trong đó, cho Bác gửi lời thăm đồng bào.
Bác vừa nói chuyện vừa suy trầm tư, vẻ mặt Bác rất xúc động.
Tôi vào khu IV truyền đạt lời thăm hỏi của Bác cho các đồng chí trong đó, các đồng chí rất xúc động.
Bộ phim mang vào chiếu cho Bác xem có cảnh phá thủy lôi bằng kích thích. Cho ca nô chạy nhanh qua bãi thủy lôi. Thủy thủ lái ca nô mặc áo bảo vệ kèm phao bơi. Bác xem và hỏi:
- Mặc như thế kia thì cử động thế nào được?
Tôi báo cáo với Bác:
- Ca nô chạy nhanh, thủy lôi sẽ nổ, thủy thủ phải mặc như thế để đảm bảo an toàn.
Bác nghe xong, suy nghĩ một lát rồi nói:
- Các chú đó thật dũng cảm. Nhưng chú thử nghĩ xem có phương pháp nào điều khiển ca nô chạy tự động qua bãi thủy lôi, chứ làm thế này nguy hiểm cho tính mạng của các chiến sĩ.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về gợi ý của Bác. Sau đó tôi cho họp Hội đồng kỹ thuật, báo cáo lại ý kiến của Bác. Mọi người đều rất tán thành và đề nghị thiết kế tàu không người lái, điều kiển từ xa.
Sau đó một loại tàu mới có biệt hiệu là T5 ra đời, có người điều khiển từ xa để phá hủy thủy lôi. Đó là do bao công sức đóng góp của các anh em làm công tác kỹ thuật sáng chế.
Khi chiếc tàu này mới được chế tạo, chúng tôi cho mang lên Hồ Tây chạy thử. Lần chạy thử đó có mời đồng chí Tố Hữu đến xem. Nhờ chiếc tàu đó mà chúng tôi đã phá được rất nhiều thủy lôi, đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt, lại không nguy hiểm đến tính mạng cho các chiến sĩ.
Lời phát biểu của Bác đã tác động đến anh em kỹ thuật, giúp họ suy nghĩ, phát huy sáng kiến và chế tạo ra chiếc tàu mang biệt hiệu T5.
 Ngồi xem phim với Bác, Bác hỏi nhiều điều mà chúng tôi không lường hết được. Bác quan tâm đến mọi vấn đề. Bác muốn biết hết tất cả mọi việc.
Bác quan tâm đến công việc chung, nhưng cũng không quên những việc nhỏ, làm cho tôi rất cảm động. Tôi đưa phim vào chiếu cho Bác xem. Sau đó Bác cho phép tôi mang vợ con vào thăm Bác. Tôi còn nhớ khi đó là đầu năm 1967.
Bác hỏi tôi:
- Chú đi vào trong kia bằng phương tiện gì?
Tôi báo cáo với Bác:
- Cháu đi bằng ô tô. Đoạn nào không đi được bằng ô tô thì đi xe đạp.
Bác nghe, rồi nói:
- Đi bằng ô tô hay đi bằng xe đạp cũng phải thật chú ý và cảnh giác vì máy bay Mỹ có thể bắn phá bất ngờ.
Trên đây là một số kỷ niệm về Bác mà tôi còn ghi nhớ. Những kỷ niệm này sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.
 
44. BÁC HỒ VỚI THIẾU NHI THỦ ĐÔ
Năm 1958, khi hàng ngàn thiếu nhi Thủ đô đang chuẩn bị đón Tết Trung thu ở Câu lạc bộ thiếu nhi thì được tin Bác Hồ đến thăm. Tất cả mọi người dư­ờng nh­ư muốn đổ dồn về phía lễ đài để mong đư­ợc gần Bác hơn, trong số đó có một bà mẹ người nư­ớc ngoài cũng đang cố gắng đư­a con mình đến gần lễ đài để đ­ược gần Bác. Lúc đó Bác rất vui, Bác căn dặn các cháu phải chăm học, chăm làm để trở thành con ngoan, trò giỏi. Cũng trong năm này, Bác đã đến thăm Đại hội Thanh niên Thủ đô. Khi Bác tới, mọi người cùng đứng dậy hô to “Bác Hồ muôn năm!”. Bác ra hiệu cho mọi người ngồi xuống và nói: “Làm tốt thì Bác muôn năm, làm không tốt thì Bác muốn nằm”. Mọi ng­ười đều cười vui vẻ và cảm thấy Bác như­ người Ông, người Cha ở nhà vậy.
Tháng 6-1959, tại Công viên Bách thảo, thiếu nhi Hà Nội tổ chức cắm trại và liên hoan văn nghệ chào đón Tổng thống Xucácnô sang thăm Việt Nam. Bác và Tổng thống Xucácnô đã ở lại tham gia các hoạt động của thiếu nhi hơn một tiếng đồng hồ.
Năm 1960, Bác đã bảo th­ư ký đón các cháu thiếu nhi vào Phủ Chủ tịch để cùng Bác đón gia đình ông luật sư­ ngư­ời Anh Lôdơby Bác đã tặng quà từng người và còn dặn, nhớ để dành quà Tết của Bác cho người thân ở nhà.
Năm 1961, Bác quyết định để thiếu nhi Hà Nội tổ chức triển lãm tại Phủ Chủ tịch trong suốt 10 ngày liền. Ngày nào Bác cũng dành thời gian để xem các cháu biểu diễn văn nghệ.
Năm 1965, trong buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng Chủ tịch Hội đồng Bộ trư­ởng Liên Xô, cháu Ph­ương (8 tuổi) ngâm bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ” của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ nói về tình cảm của thiếu nhi miền Nam với Bác Hồ. Bác chăm chú lắng nghe. Đến câu “Bác ơi nhớ mấy cho cùng. Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không?” thì thấy Bác lấy khăn lau n­ước mắt và gật đầu nói: “ Có nhớ… có nhớ…”.
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn 
 

45. NHỮNG VỊ KHÁCH TÍ HON
Có một lần, vào dịp sinh nhật Bác Hồ, vừa mới sáng sớm, đồng chí Kỳ - thư ký cùng các con mình và con đồng chí Cẩn - người nấu ăn cho Bác, mang hoa vào để chúc thọ Bác. Thấy các cháu đến, Bác Hồ rất vui, nhưng vì đang làm dở công việc nên Bác bảo đồng chí Kỳ đưa các cháu xuống nhà lấy nước và bánh kẹo mời các cháu, làm việc xong Bác sẽ xuống gặp và vui với các cháu. Đồng chí Kỳ dẫn các “vị khách tí hon” xuống nhà nhưng nghĩ đây là con mình và con anh Cẩn nên không mời các cháu vào phòng mà để các cháu chơi tha thẩn ngoài vườn. Một lúc sau, Bác xuống, nhìn thấy thế, Bác tỏ ý không bằng lòng, Người hỏi đồng chí thư kí: “Sao chú không lấy bánh kẹo, rót nước mời các cháu?”. Đồng chí Kỳ thưa với Bác: “Thưa Bác, đây là con cháu trong nhà nên xin Bác cứ để các cháu chơi ở sân, không cần phải tiếp bánh kẹo gì Bác ạ”. Biết đồng chí thư ký nghĩ chưa đúng, Bác ôn tồn nói, có ý phê bình: “Các cháu là con của các chú, nhưng là khách của Bác. Bác đang bận, thì chú phải tiếp giúp Bác”. Lời Bác nói nhẹ nhàng nhưng thật thấm thía. Hiểu được ý nghĩa lớn lao trong câu Bác nói và thấy khuyết điểm của mình chưa làm đúng ý Bác, nên đồng chí liền mời các “vị khách tí hon” vào phòng, lấy bánh kẹo và pha nước tiếp các cháu như những khách người lớn đến gặp Bác.
Những đồng chí được sống và làm việc cùng Bác, luôn thấy rõ Bác chu đáo với mọi người, từ em bé đến cụ già. Đặc biệt đối với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ không những yêu thương, quý mến mà còn rất tôn trọng. Ở dưới nhà sàn, Bác cho làm thêm những bệ xi măng, trên có lát ván như những chiếc ghế để khi các cháu vào gặp Bác có chỗ ngồi. Bác còn đặt bể cá vàng cạnh nhà để tiếp các “vị khách tí hon”.
 
46. MÊNH MÔNG QUÁ
Bác Hồ của chúng ta là Chủ tịch nước, nhưng trong cuộc sống hàng ngày Bác không coi nhẹ các việc nhỏ. Bác thương yêu đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các dân tộc anh em bị áp bức. Một em bé da đen bị đói, một người con gái ở nước Pháp bị án tử hình đều làm Bác xúc động.
Bác không bằng lòng khi thấy nhiều cán bộ “ra vẻ hăng hái”, “kiên trung”, thấy bạn bè, đồng đội, đồng bào có lầm lỗi, chưa phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan, mức độ đã “vơ đũa cả nắm”, “đánh một đòn chết tươi”. Thường là, nếu cán bộ, đồng bào có điều gì không phải Bác lại nhận lỗi ấy về mình, “mong được lượng thứ”.
Năm 1960, trong một cuộc họp cán bộ, có đồng chí “lên án” gay gắt “bệnh lười biếng”, “công thần”, đòi phải “xử lý”… Bàn cãi hồi lâu, sắp hết giờ họp, Bác “xin được phát biểu”. Bác nói đại ý:
Bể cũng là nước, giọt nước cũng là nước. Trong Đảng hàng ngày là giọt nước hay là bể. Nếu nói lười biếng, công thần cũng là tư tưởng tư sản thì mênh mông quá.
 
47. NHÀ BÁC KHÔNG CÓ THỎ ĐÂU !
Đồng chí Vũ Kỳ, người đã nhiều năm đã giúp việc cho Bác Hồ kể lại:
Một lần, các cháu thiếu nhi vào Phủ Chủ tịch ríu rít quanh Bác. Một em hỏi:
- Thưa Bác, chúng cháu muốn xem nhà Bác Hồ ạ.
Bác cười tươi:
- Đây không phải là nhà Bác, đây chỉ là nơi làm việc của Bác thôi. Để Bác dẫn các cháu đi xem vườn hoa nhé!
Một cháu chạy vội bị vấp ngã, cô giáo chạy lại dỗ cháu:
- Nín đi! Nín ngoan, cô yêu, rồi cô cho đi xem con thỏ của Bác Hồ nuôi.
Bác ngắt một bông hoa, đến gần cháu bé dỗ:
- Cháu ngoan, Bác cho cháu bông hoa nhỏ, chứ nhà Bác không có thỏ đâu!
Cháu bé nín khóc, cầm hoa, một tay nắm ngón tay Bác để Bác dắt đi. Sau đó, Bác nói riêng với cô giáo:
- Đối với các cháu, dù còn nhỏ, cũng nên nói sự thật, làm gương tốt và tạo thói quen tốt cho các cháu.
 
48 MỘT CHUYẾN THĂM, BA BÀI HỌC
Sau hơn một tuần diễn ra trận chiến bảo vệ kho xăng Đức Giang, ngày 29-6-1966, Bác Hồ đến thăm một đại đội thuộc đoàn thông tin Sông Điện, bộ đội phòng không đóng ở chùa Trầm (Hoài Đức). Cuộc đi thăm không báo trước. Khi chiếc xe con dừng lại ở lưng chừng dốc, một chiến sĩ nhận ra Bác reo to lên. Bác giơ tay ra hiệu không được làm ồn ào rồi bảo chiến sĩ đó đưa Bác vào đơn vị.
Với đôi dép cao su giản dị, Bác đi rất nhanh lên sườn đồi, bộ quần áo bà ba nâu bay trong gió. Sau khi dừng lại xem câu lạc bộ, Bác nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp. Thấy đồng chí Hào, tổ trưởng anh nuôi đang bê một nồi cơm to từ trên bếp lò xuống, Bác vui vẻ hỏi:
- Mỗi bữa chú ăn được mấy bát?
- Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ.
- Chú ăn được như vậy là tốt - Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy ra một điếu đưa cho Hào.
- Bác biếu chú, chú hút đi.
Rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác có ý tìm đóm để châm lửa, Hào vội rút bao diêm trong túi ra định bật diêm cho Bác, Bác liền ngăn lại:
- Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Cả bếp lò đang hồng thế kia tha hồ cho Bác cháu ta châm thuốc.
Chỉ một que diêm mà Bác đã cho chúng tôi bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm.
Ở bếp bước ra, Bác hỏi cán bộ đại đội:
- Các chú có trồng rau không?
- Thưa Bác, chúng cháu chỉ trồng được rau muống dưới chân núi thôi ạ. Còn trên sườn đồi này nhiều sỏi, trồng không lên.
Bác kể lại kinh nghiệm hồi ở chiến khu và bảo:
Các chú xúc hết đá đi, xới đất, xuống ao bốc bùn đổ lên, rau sẽ xanh tốt. Có trồng có ăn, đỡ phần cung cấp của nhân dân.
Từ đó, trên vách đá men theo con đường trong đơn vị, các vườn rau đua nhau mọc lên xanh tốt. Đơn vị không chỉ tự túc rau ăn mà còn bán cho đơn vị bạn và nhân dân nữa.
Bài học thứ ba Bác dạy cho chúng tôi là con đường mòn và công tác dân vận. Khi đơn vị chưa đóng ở chùa Trầm, bà con trong vùng vẫn đi làm đồng theo con đường mòn qua núi. Từ ngày đơn vị đến, anh em đã tự động rào lại, cấm người qua lại. Thăm qua mấy nơi, Bác bảo tập hợp bộ đội lại để Bác nói chuyện, Bác căn dặn:
- Muốn làm tốt nhiệm vụ, các chú phải đoàn kết nội bộ tốt, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân địa phương, chỉ có dựa vào nhân dân, đoàn kết với nhân dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng được chúng.
Chợt Bác chỉ tay ra phía đường cái và hỏi:
- Thế các chú cấm con đường này thì nhân dân đi lối nào?
- Thưa Bác, đi vòng theo các bờ ruộng ngoài kia ạ.
Bác nghiêm mặt:
- Như vậy là không được. Các chú cấm đường để bảo mật, phòng gian là đúng, nhưng phải đắp đường khác cho dân đi chứ. Có như vậy mới đúng là quân dân đoàn kết.
Bác dặn đơn vị phải làm ngay, đắp đường cho to, trồng cây hai bên và khi nào làm xong báo cáo cho Bác biết. Ngay hôm sau, đơn vị bắt tay vào làm đường, làm cả trưa hè nắng lửa, đốt đuốc làm cả đêm. Con đường hoàn thành trước hạn định. Các cụ trong làng đem cây ra trồng hai bên. Con đường quân dân đoàn kết ấy được đặt tên là “Đường Quyết Thắng”- Con đường mang ý Bác, lòng dân, con đường đi của chúng tôi: vì nhân dân phục vụ.
 
49. HAI LẦN GẶP BÁC
Trung thu năm 1966, Thành đoàn tổ chức cho Câu lạc bộ thiếu nhi biểu diễn tại Nhà hát thành phố, có báo cáo mời Bác Hồ đến vui với các cháu.
Sắp đến giờ mở màn, mọi người nóng lòng mong Bác đến. Tôi (Lê Bùi) đang khẩn trương chuẩn bị phía trong sân khấu, thỉnh thoảng lại khẽ hé ri đô nhìn ra các hàng ghế đầu xem Bác tới chưa, nhưng chỗ Bác vẫn để trống mà phía sau đã ngồi đầy ắp ba tầng nhà hát.
Chợt có tiếng reo to: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Tôi quay lại đã thấy Bác đứng sau cánh gà trong bộ quần áo lụa giản dị, tay cầm chiếc quạt giấy nhẹ nhàng quạt cho mấy cháu đứng bên. Bác hỏi:
- Hôm nay các cháu biểu diễn gì?
- Dạ thưa Bác, hôm nay chúng cháu biểu diễn ca múa nhạc ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Thế có tiết mục văn nghệ dân tộc không?
- Thưa Bác, có ạ.
Các cháu ríu rít quanh Bác, còn tôi, vì hồi hộp quá không biết nên thưa với Bác điều gì. Bác đi thăm các đồng chí phục vụ nhà hát rồi xuống xem biểu diễn. Tối biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp, vui, sôi nổi hơn bao giờ hết.
Một lần khác, tôi dẫn gần 100 cháu và cán bộ phụ trách vào biểu diễn phục vụ khách tại Phủ Chủ tịch.
Khi các cháu vừa hoá trang và chuẩn bị xong thì Bác và một số đồng chí từ nhà sàn đi tới trên con đường xoài mát rượi. Các cháu ùa ra đón Bác, còn tôi và mấy cán bộ đội chỉ đứng ngây ra nhìn Bác và đàn cháu nhỏ. Cháu nào cũng muốn chen vào để được gần Bác, để được Bác cầm tay, xoa đầu và hỏi han. Bác và các cháu đi dần về phía sân khấu nơi Bác sẽ tiếp khách.
Chợt Bác hỏi:
- Hôm nay các cháu làm gì mà đánh phấn, má hồng thế này? Thế không đánh phấn thì có biểu diễn được không? - Bác hỏi tiếp.
Các em đồng thanh trả lời:
- Thưa Bác có ạ.
Cán bộ phụ trách chúng tôi lúc ấy đều hiểu ý Bác: không nên quá câu nệ hình thức son phấn đối với tuổi thơ trong những buổi sinh hoạt thế này.
Cuối buổi biểu diễn, Bác cùng khách gọi các cháu đến để chia kẹo và chụp ảnh cùng Bác.
 
50. THẤU HIỂU PHONG TỤC CỦA MỘT DÂN TỘC
Có một lần, đoàn đại biểu phụ nữ Mỹ sang thăm nư­ớc ta theo lời mời của Trung ư­ơng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đoàn đến vào đúng dịp lễ Nôen. Trung ­ương Hội Liên hiệp Phụ nữ chuẩn bị chiêu đãi đoàn tại khách sạn Thống Nhất. Tr­ước đó, các đồng chí phụ trách Hội đã đến báo cáo với Bác ch­ương trình hoạt động của đoàn và dự kiến một buổi để Bác tiếp. Sau khi nghe báo cáo, Bác hỏi đồng chí phụ trách:
- Các cô định tổ chức chiêu đãi đoàn thế nào?
Đồng chí phụ trách báo cáo với Bác là sẽ chiêu đãi đoàn những món ăn dân tộc của Việt Nam. Ngoài ra trong phòng còn đặt một cây thông Nôen như­ phong tục của người Mỹ trong ngày lễ này. Nghe xong Bác cười và bảo:
- Các cô tiếp đoàn bằng những món ăn dân tộc nh­ư thế là tốt, nh­ưng theo Bác biết ở Mỹ ăn mừng lễ Nôen bao giờ cũng có món thịt gà tây đ­ược đặt nguyên cả con. Các cô nên làm thêm món đó.
Biết đ­ược chi tiết đó, các đồng chí phụ trách đã cho chuẩn bị đúng như­ vậy. Trong buổi chiêu đãi, tất cả các thành viên trong đoàn phụ nữ Mỹ rất ngạc nhiên và cảm động. Trong khi Chính phủ Mỹ đang gây biết bao tội ác đối với dân tộc Việt Nam mà đoàn lại đ­ược những người phụ nữ Việt Nam tiếp đón hết sức ân cần, chu đáo.
Thì ra phong tục trên đây Bác Hồ biết trong thời gian Ng­ười sống và làm việc ở nư­ớc Mỹ cách đây hơn 50 năm. Vậy mà đến bây giờ Bác vẫn còn nhớ rất kỹ. Đúng là Bác Hồ không những yêu th­ương, quý trọng người dân lao động mà còn thấu hiểu cả phong tục, tập quán của cả những dân tộc các n­ước mà Bác đã đi qua.
 
51. CHÁU TẬP ĐÀN MỘT TAY CÓ KHÓ LẮM KHÔNG?
Cả hội trường như lắng xuống khi âm thanh của cây đàn ghi ta trong lòng người nghệ sĩ một tay cất lên. Âm thanh cuối cùng của bản nhạc chưa kịp tan ra, hàng tràng vỗ tay đã vang dội, tiếng vỗ tay đòi phải diễn lại một lần nữa... Màn sân khấu chưa kịp đóng lại, khán giả đã ùa lên. Các đồng chí của đoàn nghệ thuật quân đội Liên Xô quây quanh người nghệ sĩ với cây đàn. Có người đưa cả hai tay nắm chặt bàn tay còn lại của người nghệ sĩ lắc lắc, nước mắt rưng rưng. Đó là tiết mục của nghệ sĩ thương binh Vân Hoàng, đoàn ca múa Tổng cục Chính trị.
Ngày hôm sau, Vân Hoàng được lên gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Nắn nắn cánh tay còn lại của Vân Hoàng đang lặng đi vì xúc động, Bác dẫn anh ngồi xuống ghế và hỏi thăm gia đình, quê hương và cuộc đời của anh: “Hôm qua cháu đàn, các đồng chí Liên Xô hoan nghênh lắm. Hôm nay Bác gọi cháu đến hỏi chuyện. Cháu về với Bác hôm nay như về thăm gia đình, không phải bỡ ngỡ gì cả”. Và ân cần, nhân hậu như một người cha, Bác hỏi: “Cháu bị thương từ bao giờ? Cháu tập đàn một tay có khó lắm không?”. Cả buổi sáng Bác chăm chú ngồi nghe Vân Hoàng kể chuyện, chuyện đời anh, chuyện gia đình, làng xóm và nghe kể quá trình khổ luyện của người nghệ sĩ thương binh. Một bàn tay với năm ngón, vừa bấm phím đàn, vừa gẩy đàn bằng ngón tay út thay thế cho cả một bàn tay đã mất... Bác nghe và hỏi anh rất tỉ mỉ, lúc đầu tập thế nào, tập rung, tập luyến láy ra sao và vì sao lại kiên trì được như thế. Nghe đến những cảnh khổ mà Hoàng phải chịu, mắt Bác đượm buồn. Bác còn mời Vân Hoàng ăn cơm và hỏi: “Bây giờ cháu đàn còn khó khăn gì không?”. “Thưa Bác, do cháu phải gẩy trên cần đàn nên tiếng không vang được, cháu mong ước có một máy tăng âm”. Bác gật đầu và bảo chiều Vân Hoàng đến đàn cho Bác nghe. Bác muốn nghe riêng những bài mà anh sẽ biểu diễn tối nay trong tiệc thết đoàn nghệ thuật quân đội Liên Xô. Chiều hôm đó Vân Hoàng nhận được một bộ tăng âm mới.
 
52. BÁC MONG CÓ NHIỀU “CỐC” HƠN NỮA
Tết năm 1967 (Đinh Mùi), Bác đến thăm quân chủng Phòng không không quân. Cùng đi với Bác còn có đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Cây gậy trúc trước kia thường dùng để đi rừng, bây giờ theo tay Bác đến thăm bộ đội Phòng không không quân, một quân chủng vừa mới thành lập, nhưng ngay từ những trận đầu ra quân đánh trả “không lực Hoa Kỳ” đã chiến thắng vẻ vang.
Đang trong không khí ngày Tết, lại vừa thắng lợi giòn giã xong, nay được Bác đến thăm ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi. Bác thân mật hỏi:
- Buổi họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là anh hùng quân đội?
- Thưa Bác, có năm đồng chí ạ - Đồng chí chính ủy quân chủng báo cáo với Bác.
Bác gật đầu rồi hỏi:
- Đồng chí nào hạ nhiều máy bay Mỹ nhất?
- Thưa Bác, đồng chí Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi chín chiếc.
Bác liền gọi:
- Chú Cốc lên đây! - Và Bác tươi cười nói vui - Năm nay Bác mong muốn có nhiều “Cốc” hơn nữa!
Cả hội trường rộn lên tiếng cười vui vẻ.
Anh hùng lái máy bay Nguyễn Văn Cốc bước lên đứng cạnh Bác. Bác thân thiết ôm hôn Cốc giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Bác quay xuống hàng quân, nói:
- Thế còn các cháu gái đâu? Cử một cháu gái, một bác sĩ, một y tá, một chiến sĩ nuôi quân lên đây Bác bắt tay.
Cả hội trường nhìn nhau hồi hộp. Những tràng pháo tay lại nổi lên giòn giã. Tất cả cùng sung sướng khi thấy các chiến sĩ vừa được cử lên được Bác bắt tay, ân cần hỏi han. Bác kéo tất cả các chiến sĩ đó đứng quây quần quanh Bác. Mái tóc bạc phơ, chòm râu như tuyết của Bác nổi lên giữa những mái đầu xanh và cành đào lớn tươi nở sao mà đẹp vậy! Bác giới thiệu Thượng tướng Văn Tiến Dũng nói chuyện trước bộ đội. Sau đó, Bác tươi cười căn dặn mọi người:
- Các cô, các chú bộ đội phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để nó dở quẻ là mình đập lại được ngay!…
Đến lúc ra về, một lần nữa Bác lại nắm tay anh hùng Nguyễn Văn Cốc giơ lên nói:
- Năm mới, chúc các cô các chú lập được nhiều chiến công mới, có nhiều “Cốc” hơn nữa.
 
53. BÁC ĐẾN
Hôm đó là ngày 30-5-1967, chúng tôi đang chuẩn bị công việc buổi sáng như thường lệ thì có thông báo mời các trưởng ban lên phòng họp của Viện có việc đột xuất.
Khoảng 30 phút sau, từ phòng họp, đồng chí Trưởng ban chạy về, báo cho chúng tôi một tin vui:
- Bác sắp về!
Cả Viện Quân y 7 rộn rã hẳn lên. Chúng tôi, mỗi người lao vào một việc để chuẩn bị đón Bác. Tim tôi đập dồn dập. Mỗi khi nghe tiếng ô tô chạy ngoài đường là chúng tôi đổ xô ra cửa, chỉ sợ Bác đến lúc nào không biết.
 Một đoàn xe con dừng bánh. Chúng tôi chạy ùa ra cửa, mặc dù đã được nhắc trước là ai ở buồng nào thì ngồi tại buồng đó, Bác sẽ lần lượt đến thăm. Ai cũng muốn được nhìn thấy Bác đầu tiên. Sau khi báo cáo tình hình, đồng chí Viện trưởng mời Bác vào phòng trực tra thuốc phòng và mặc áo choàng, Bác cười:
- Các chú định cho Bác làm bác sĩ hay sao?
- Thưa Bác, để phòng bệnh ạ.
- Xin chấp hành.
Vừa nói Bác vừa mặc áo choàng, đội mũ, đeo mạng bịt miệng theo sự hướng dẫn của đồng chí Viện trưởng. Các cán bộ đi theo Bác đều làm theo Bác.
Bác đi lên cầu thang gác ban Nội 2. Cán bộ, nhân viên và thương, bệnh binh chúng tôi đứng dưới cầu thang khá đông, nhiều anh em tỏ ý muốn Bác bỏ mũ và khẩu trang để được nhìn thấy rõ Bác. Đang đi lên cầu thang, khi biết nguyện vọng của anh em, Bác tươi cười quay lại:
- Bác không phải là bác sĩ. Bác không muốn là bác sĩ giả. Nhưng đồng chí Viện trưởng bảo để phòng bệnh thì Bác phải chấp hành. Các cháu hỏi bác sĩ đây có đồng ý cho Bác bỏ mũ và bịt miệng ra không?
Bác vừa nói xong, bác sĩ Viện trưởng thưa với Bác là có thể được vì khu vực này không phải là khu lây. Bác sĩ Viện trưởng vừa đỡ lấy chiếc mũ và cởi chiếc khẩu trang của Bác ra, chúng tôi đứng dưới cầu thang vỗ tay vang dội, sung sướng đến chảy nước mắt. Tôi lách vào đứng thật gần Bác để được nhìn rõ Bác.
Một đồng chí thương binh giơ tay hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác khoát tay ra hiệu không được hô. Bác bảo:
- Ở đây là bệnh viện, phải giữ yên tĩnh để các cô, các chú đang mệt nghỉ ngơi.
Bác vào thăm một buồng nữ bệnh nhân của ban Nội 1. Chị Huệ, một thương binh miền Nam tập kết, trông thấy Bác chị reo lên: “Bác”, rồi oà lên khóc. Bác bước đến bên cạnh chị và hỏi:
- Tại sao cháu lại khóc? Bác đến thăm, cháu phải vui chứ!
Chị Huệ nghẹn ngào:
- Thưa Bác, khi đi tập kết, ba, má, đồng bào miền Nam dặn cháu: Ra miền Bắc thưa với Bác Hồ… nói đến đây chị lại khóc nấc lên không sao nói được nữa. Bác cảm động cầm tay chị Huệ một lúc lâu. Mọi người đứng xung quanh cũng xúc động lặng đi. Một lát sau, chị Huệ lau nước mắt nhìn Bác, thưa tiếp.
- Thưa Bác, hôm nay được gặp Bác cháu mừng quá, cháu khóc đấy ạ!
- À, thế là mừng quá cũng khóc.
Mọi người đứng xung quanh cùng cười…
Bác đi thăm các cơ sở điều trị của thương binh, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh. Sau đó Bác ra sân, đứng lên bậc của một chiếc xe con nói chuyện với anh chị em chúng tôi. Sau khi nói về tình hình nhiệm vụ, Bác dặn anh em thương binh, bệnh binh phải yên tâm tin tưởng vào thầy thuốc thì chữa bệnh mới chóng khỏi, phải đoàn kết với cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Đối với cán bộ, nhân viên, Bác dặn phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ chính trị với cán bộ chuyên môn, phải hết lòng hết sức chữa cho bệnh nhân, phải coi người bệnh như những người ruột thịt, thân thiết nhất của mình.
Bác nói xong, từng tràng vỗ tay nổi lên vang dậy. Xe đã nổ máy nhưng không ai muốn rời Bác. Bác khoa tay và hỏi:
- Bác vừa nói như vậy, các cháu có thực hiện được không?
- Có ạ!
- Các cháu có nghe lời Bác không?
- Có ạ!
- Nghe lời Bác thì đứng tránh xa cho xe Bác đi.
Chúng tôi lại vỗ tay ran lên…
Giữa tiếng vỗ tay, chiếc xe ô tô con sơn màu sữa từ từ chuyển bánh. Ánh nắng rực rỡ của một buổi sáng tháng 5 đan vào chùm phượng vĩ nở đỏ rực đung đưa theo gió. Bác tiếp tục đi thăm thành phố mới được giải phóng.
 
54. TẤM LÒNG BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ PHÒNG KHÔNG
Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội rất nóng, Bác nói với đồng chí th­ư ký riêng Vũ Kỳ: “Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trư­ờng Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nư­ớc uống không? Chú thử tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết”. Đồng chí Vũ Kỳ lên, đ­ược biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5, ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì rất nguy hiểm. Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa hết cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi: “Các đồng chí có n­ước ngọt uống không?”. “Nư­ớc chè th­ường còn chư­a có, lấy đâu ra n­ước ngọt!”. “D­ưới hội tr­ường thấy có n­ước ngọt cơ mà!”. “Đấy là dành cho các “ông bà” đến họp mới đ­ược uống, còn bọn tôi lấy đâu ra!”. Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Tổng Tham m­ưu tr­ưởng: “Sao các chú không lo đủ n­ước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội tr­ường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để bảo đảm an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!”. Sau đó, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Lư­ơng của Bác cao nhất n­ước, nh­ưng hàng tháng cũng chỉ đủ chi tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà đều ghi vào lư­ơng cả. Tiền tiết kiệm của Bác do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết bài nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, Văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo: “Th­ưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền lớn, tư­ơng đ­ương với 60 lạng vàng)”. Bác bảo: “Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng Tham mư­u và nói đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”.
Về sau Bộ T­ư lệnh Phòng không không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: số tiền của Bác đủ mua n­ước uống cho bộ đội Phòng không không quân được một tuần.

Tác giả bài viết: Hồ Thị Quý (sưu tầm)

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

 HÌNH ẢNH NỔI BẬT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây